• Các thuật ngữ thông dụng chứng khoán

        Thuật ngữ chứng khoán

      • Các thuật ngữ thông dụng chứng khoán

        1.      Thị trường chứng khoán: Trong điều kiện của nền kinh tế hiện đại, thị trường chứng khoán được quan niệm là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán trung và dài hạn. Việc mua bán này được tiến hành ở thị trường sơ cấp khi người mua mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành, và ở những thị trường thứ cấp khi có sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành ở thị trường sơ cấp. Như vậy, xét về mặt hình thức, thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán, qua đó thay đổi các chủ thể nắm giữ chứng khoán.

        2.      Thị trường cổ phiếu là thị trường giao dịch và mua bán các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi

        3.      Thị trường trái phiếu là thị trường giao dịch và mua bán các trái phiếu đã được phát hành; các trái phiếu này bao gồm: trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị và trái phiếu công ty.

        4.      Thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh là thị trường phát hành và mua đi bán lại các chứng khoán phái sinh đã được phát hành. Đây là loại thị trường cao cấp chuyên giao dịch những công cụ tài chính cao cấp, do đó thị trường này chỉ xuất hiện ở những nước có TTCK phát triển mạnh.

        Cùng với sự phát triển của TTCK, các công cụ lưu thông trên TTCK cũng ngày càng phát triển về số lượng và đa dạng về chủng loại. Bên cạnh các giao dịch truyền thống về cổ phiếu và trái phiếu, các giao dịch mua bán chứng từ tài chính khác như: quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn đã xuất hiện. Các chứng từ tài chính này được ra đời từ các giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) và được quyền chuyển đổi sang các chứng khoán qua hành vi mua bán theo những điều kiện nhất định. Do đó, người ta gọi chúng là các chứng từ có nguồn gốc chứng khoán, hay các chứng khoán phái sinh.

        5.      Thị trường sơ cấp là thị trường mua bán các loại chứng khoán mới phát hành. Trên thị trường này, vốn từ nhà đầu tư sẽ được chuyển sang nhà phát hành thông qua việc nhà đầu tư mua các chứng khoán mới phát hành.

        Đặc điểm của thị trường sơ cấp

        -              Thị trường sơ cấp là nơi duy nhất mà các chứng khoán đem lại vốn cho người phát hành.

        -              Những người bán trên thị trường sơ cấp được xác định thường là Kho bạc, ngân hàng nhà nước, công ty phát hành, tập đoàn bảo lãnh…

        -              Giá chứng khoán trên thị trường sơ cấp do tổ chức phát hành quyết định và thường được in ngay trên chứng khoán.

        6.      Thị trường thứ cấp là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp đảm bản tính thanh khoản cho các chứng khoán đã phát hành.

        Đặc điểm của thị trường thứ cấp

        -              Trên thị trường thứ cấp, các khoản tiền thu được từ việc bán chứng khoán thuộc về các nhà đầu tư và các nhà kinh doanh chứng khoán chứ không thuộc về nhà phát hành. Nói các khác, các luồn vốn không chảy vào những người phát hành chứng khoán mà vận chuyển giữa những nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường. Thị trường thứ cấp là một bộ phận quan trọng của thị trường chứng khoán, gắn bó chặt chẽ với thị trường sơ cấp.

        -              Giao dịch trên thị trường thứ cấp phản ánh nguyên tắc cạnh tranh tự do, giá chứng khoán trên thị trường thứ cấp do cung cầu quyết định.

        -              Thị trường thứ cấp là thị trường hoạt động liên tục, các nhà đầu tư có thể mua và bán các chứng khoán nhiều lần trên thị trường thứ cấp

        7.      Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:

        -           Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

        -          Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán.

        8.      Chứng khoán chuyển đổi là những chứng khoán cho phép người nắm giữ nó, tùy theo lựa chọn và trong những điều kiện nhất định, có thể đổi nó lấy một chứng khoán khác. Thông thường có cổ phiếu ưu đãi được chuyển đổi thành cổ phiếu thường và trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu thường.

        9.      Cổ phiếu là giấy chứng nhận số tiền nhà đầu tư đóng góp vào công ty phát hành. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Nguời nắm giữ cổ phiếu trở thành cổ đông và đồng thời là chủ sở hữu của công ty phát hành.

        10.  Cổ phiếu phổ thông là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của cổ đông đối với công ty và xác nhận cho phép cổ đông được hưởng các quyền lợi thông thường trong công ty.

        11.  Cổ phiếu ưu đãi là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu trong một công ty, đồng thời cho phép người nắm giữ loại cổ phiếu này được hưởng một số quyền lợi ưu tiên hơn so với cổ đông phổ thông. Người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được gọi là cổ đông ưu đãi của công ty.

        12.  Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. Người phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ). Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh).

        13.  Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp trong quỹ đại chúng. Quỹ đại chúng là quỹ đầu tư chứng khoán hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đa dạng hóa đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác nhau nhằm phân tán rủi ro, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ.

        14.  Quyền mua cổ phần (hay quyền mua trước) là quyền ưu tiên mua trước dành cho các cổ đông hiện hữu của một công ty cổ phần được mua một số lượng cổ phần trong một đợt phát hành cổ phần phổ thông tương ứng với tỷ lệ cổ phần hiện có của họ trong công ty, tại mức giá xác định, thấp hơn mức giá chào mời ra công chúng và trong một thời gian nhất định.

        15.  Chứng quyền là một loại chứng khoán trao cho người nắm giữ nó quyền được mua một số lượng xác định một loại chứng khoán khác, thường là cổ phiếu thường, với một mức giá xác định và trong một thời gian nhất định. Quyền này được phát hành khi tổ chức lại các công ty hoặc khi công ty nhằm mục tiêu khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng mua các trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi có những điều kiện kém thuận lợi. Để chấp thuận những điều kiện đó, nhà đầu tư có được một lựa chọn đối với sự lên giá có thể xảy ra của cổ phiếu thường.

        16.  Hợp đồng kỳ hạn là một thỏa thuận trong đó một người mua và một người bán chấp thuận thực hiện một giao dịch hàng hóa với khối lượng xác định, tại một thời điểm xác định trong tương lai với mức giá ấn định vào ngày hôm nay.

        17.  Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận đòi hỏi một bên của hợp đồng sẽ mua hoặc bán một hàng hóa nào đó tại một thời hạn xác định trong tương lai theo một mức giá đã định trước. Chức năng kinh tế cơ bản của các thị trường hợp đồng tương lai là cung cấp cơ hội cho những người tham gia thị trường để phòng ngừa rủi ro về những biến động giá bất lợi.

        18.  Quyền lựa chọn là một hợp đồng cho phép người nắm giữ nó được mua (nếu là quyền chọn mua) hoặc được bán (nếu là quyền chọn bán) một khối lượng nhất định hàng hóa tại một mức giá xác định và trong một thời gian nhất định. Các hàng hóa cơ sở này có thể là cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số trái phiếu, thương phẩm, đồng tiền hay hợp đồng tương lai.

        19.  Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:

        -         Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet;

        -         Chào bán chứng khoán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

        -          Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định.

        20.  Chào bán cổ phần riêng lẻ là việc chào bán cổ phần hoặc quyền mua cổ phần trực tiếp và không sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho một trong các đối tượng sau:

        -            Các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

        -            Dưới 100 nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

        21.  Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc 1 trong 3 loại hình sau đây:

        -            Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng

        -            Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở GDCK

        -            Công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

        22.  Tổ chức phát hành là tổ chức thực hiện phát hành chứng khoán ra công chúng.

        23.  Quỹ đầu chứng khoán: Theo ngôn ngữ thông thường, một khối lượng tiền do nhiều người góp lại vì một mục đích chung nào đó được gọi là một quỹ. Quỹ đầu tư chứng khoán cũng vậy, nó là quỹ hình thành từ vốn góp của người đầu tư để đầu tư vào các chứng khoán.

        24.  Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

        25.  Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

        26.  Tổ chức bảo lãnh phát hành là công ty chứng khoán được phép hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và ngân hàng thương mại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bảo lãnh phát hành trái phiếu theo điều kiện do Bộ Tài chính quy định.

        27.  Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc tổ chức bảo lãnh phát hành cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành hoặc hỗ trợ tổ chức phát hành trong việc phân phối chứng khoán ra công chúng.

        28.  Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.

        29.  Môi giới chứng khoán là việc công ty chứng khoán làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng.

        30.  Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán mua hoặc bán chứng khoán cho chính mình.

        31.  Tư vấn đầu tư chứng khoán là việc công ty chứng khoán cung cấp cho nhà đầu tư kết quả phân tích, công bố báo cáo phân tích và khuyến nghị liên quan đến chứng khoán.

        32.  Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán là việc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện quản lý theo uỷ thác của từng nhà đầu tư trong mua, bán, nắm giữ chứng khoán.

        33.  Lưu ký chứng khoán là việc nhận ký gửi, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho khách hàng, giúp khách hàng thực hiện các quyền liên quan đến sở hữu chứng khoán.

        34.  Đăng ký chứng khoán là việc ghi nhận quyền sở hữu và các quyền khác của người sở hữu chứng khoán.

        35.  Niêm yết chứng khoán à thủ tục cho phép một chứng khoán nhất định được phép giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán. Cụ thể, đây là quá trình mà Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận cho công ty phát hành có chứng khoán được phép niêm yết và giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán nếu công ty đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về định lượng cũng như định tính mà sở giao dịch chứng khoán đề ra.

        36.  Niêm yết lần đầu là việc cho phép chứng khoán của tổ chức phát hành được đăng ký niêm yết giao dịch chứng khoán lần đầu tiên sau khi phát hành ra công chúng (IPO), khi tổ chức phát hành đó đáp ứng được các tiêu chuẩn về niêm yết.

        37.  Niêm yết bổ sung là quá trình chấp thuận của Sở giao dịch chứng khoán cho một công ty niêm yết được niêm yết các cổ phiếu mới phát hành với mục đích tăng vốn hay vì các mục đích khác như sáp nhập, chi trả cổ tức, thực hiện các trái quyền hoặc thực hiện các trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu.

        38.  Thay đổi niêm yết phát sinh khi công ty niêm yết thay đổi tên giao dịch, khối lượng, mệnh giá hoặc tổng giá trị cổ phiếu được NY của mình.

        39.  Niêm yết lại là việc cho phép một công ty phát hành được tiếp tục NY trở lại các chứng khoán trước đây đã bị hủy bỏ niêm yết vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn duy trì NY.

        40.  Niêm yết toàn phần và niêm yết từng phần: NY toàn phần là việc niêm yết tất cả các cổ phiếu sau khi đã phát hành ra công chúng trên một Sở giao dịch chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài. NY từng phần là việc NY một phần trong tổng số chứng khoán đã phát hành ra công chúng của lần phát hành đó, phần còn lại không hoặc chưa được niêm yết.

        41.  Bản cáo bạch là tài liệu hoặc dữ liệu điện tử công khai những thông tin chính xác, trung thực, khách quan liên quan đến việc chào bán hoặc niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành.

        42.  Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ năm phần trăm trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành.

        43.  Tổ chức kiểm toán được chấp thuận là công ty kiểm toán độc lập thuộc danh mục các công ty kiểm toán được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiểm toán theo điều kiện do Bộ Tài chính quy định.

        44.  Thông tin nội bộ là thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó.

        45.  Giao dịch nội bộ là giao dịch có sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán nhằm mang lại lợi ích (thu lời hoặc tránh, giảm lỗ) cho người thực hiện giao dịch, người biết thông tin nội bộ hoặc người thứ ba.

        46.  Giao dịch thao túng thị trường chứng khoán là việc một hay nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện hoặc thông đồng với nhau thực hiện, một cách trực tiếp hay gián tiếp việc đặt lệnh, giao dịch hoặc công bố, phát tán thông tin nhằm tạo cung, cầu, tính thanh khoản, diễn biến giá giả tạo đối với một hoặc nhiều loại chứng khoán.

        47.  Người biết thông tin nội bộ là:

        -              Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc của công ty đại chúng; thành viên Ban đại diện quỹ đại chúng;

        -              Cổ đông lớn của công ty đại chúng, quỹ đại chúng;

        -              Người kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng, quỹ đại chúng;

        -              Người khác tiếp cận được thông tin nội bộ trong công ty đại chúng, quỹ đại chúng;

        -           Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề chứng khoán của công ty;

        -              Tổ chức, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ với công ty đại chúng, quỹ đại chúng và cá nhân làm việc trong tổ chức đó;

        -              Tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp có được thông tin nội bộ từ những đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.

        48.  Người có liên quan là cá nhân hoặc tổ chức có quan hệ với nhau trong các trường hợp sau đây:

        -              Cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con, con nuôi, anh, chị em ruột của cá nhân;

        -              Tổ chức mà trong đó có cá nhân là nhân viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, chủ sở hữu trên mười phần trăm số cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết;

        -              Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác của tổ chức đó;

        -              Người mà trong mối quan hệ với người khác trực tiếp, gián tiếp kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi người đó hoặc cùng với người đó chịu chung một sự kiểm soát;

        -              Công ty mẹ, công ty con;

        -              Quan hệ hợp đồng trong đó một người là đại diện cho người kia.

        49.  Biên độ dao động giá là giới hạn dao động giá chứng khoán qui định trong ngày giao dịch được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) so với giá tham chiếu.

        50.  Giá tham chiếu là mức giá làm cơ sở cho việc tính giới hạn dao động giá chứng khoán trong ngày giao dịch.

        51.  Khớp lệnh định kỳ là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán tại một thời điểm xác định.

        52.  Khớp lệnh liên tục là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch.

        53.  Giao dịch thỏa thuận là phương thức giao dịch trong đó các thành viên tự thỏa thuận với nhau về các điều kiện giao dịch và được đại diện giao dịch của thành viên nhập thông tin vào hệ thống giao dịch để ghi nhận.

        54.  Lệnh giao dịch là chỉ dẫn của nhà đầu tư để thực hiện mua hoặc bán một loại chứng khoán, có thể thực hiện thông qua phiếu lệnh, gọi điện, hoặc đặt lệnh từ xa (online - trading). Loại lệnh giao dịch hiện được áp dụng trên Sở GDCK Hà Nội là lệnh giới hạn.

        55.  Lệnh giới hạn mua là loại lệnh đặt giới hạn tại một mức giá cao nhất mà nhà đầu tư chấp thuận mua. Thông thường, giới hạn về giá đối với lệnh giới hạn mua thấp hơn hoặc bằng giá thị trường (bên mua) tại thời điểm giao dịch

        56.  Lệnh giới hạn bán là loại lệnh đặt giới hạn tại một mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư chấp nhận bán. Thông thường, giới hạn về giá đối với lệnh bán cao hơn hoặc bằng giá thị trường (bên bán) tại thời điểm giao dịch.

        57.  Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày mà nhà đầu tư mua chứng khoán sẽ không được nằm trong danh sách đăng ký hưởng (các) quyền liên quan đến chứng khoán được giao dịch đã thông báo trước đó. Hay nói một cách khác, tại ngày giao dịch không hưởng quyền, nhà đầu tư mua chứng khoán không được nhận các quyền bao gồm quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ hoặc giá ưu đãi, quyền bỏ phiếu, quyền đóng góp ý kiến đối với các hoạt động kinh doanh của công ty...

        58.  Giao dịch ký quỹ là việc mua hoặc bán chứng khoán trong đó người đầu tư chỉ thực có một phần tiền hoặc chứng khoán, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay. Bằng cách sử dụng giao dịch ký quỹ, những người đầu tư có thể mang lại những tác động tích cực như ổn định giá chứng khoán và tăng cường tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, giao dịch ký quỹ cũng ẩn chứa mức độ rủi ro cao có khả năng làm tổn hại đến hoạt động của thị trường. Do vậy, giao dịch ký quỹ chỉ được các thị trường áp dụng khi đạt đến một trình độ phát triển nhất định. Giao dịch ký quỹ có hai loại: mua ký quỹ và bán khống.

        Mua ký quỹ (margin purchase), người đâu tư chỉ cần có một phần tiền trong tổng giá trị số chứng khoán đặt mua, phần còn lại do công ty chứng khóan cho vay. Sau khi giao dịch được thực hiện, số chứng khoán đã mua của khách hàng được công ty chứng khoán giữ lại làm thế chấp cho khoản vay

        59.  Tài khoản giao dịch ký quỹ: là tài khoản của khách hàng mở tại công ty chứng khoán để thực hiện các giao dịch ký quỹ chứng khoán.

        60.  Giao dịch mua bán chứng khoán cùng phiên (Giao dịch chứng khoán trong ngày giao dịch): Nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch ngược chiều (mua, bán) cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch, khi đáp ứng các điều kiện sau:

        -              Sử dụng một tài khoản mở tại một công ty chứng khoán để thực hiện cả lệnh mua và bán;  

        -              Chỉ được mua (hoặc bán) một loại chứng khoán nếu lệnh bán (hoặc lệnh mua) của chứng khoán cùng loại trước đó đã được thực hiện và lệnh giao dịch phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ ký quỹ theo quy định tại Khoản 7, Điều 7 Thông tư 74/2011/TT-BTC.

        -              Công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của lệnh đặt mua/bán của nhà đầu tư.

        61.  Kỳ hạn trái phiếu là khoảng thời gian tính từ ngày phát hành (hoặc tính từ ngày phát hành đợt một đối với TPCP phát hành theo lô lớn) đến ngày đáo hạn trái phiếu.

        62.  Kỳ hạn còn lại của trái phiếu là khoảng thời gian còn lại (theo ngày thực tế) từ ngày hiện tại đến ngày đáo hạn trái phiếu.

        63.  Lãi suất danh nghĩa (lãi suất coupon) của trái phiếu là tỷ lệ phần trăm (%) lãi hàng năm tính trên mệnh giá mà tổ chức phát hành phải thanh toán cho người sở hữu trái phiếu trong suốt thời hạn của trái phiếu.

        64.  Giá yết của trái phiếu là giá TPCP do các thành viên yết trên hệ thống. Giá yết là giá trái phiếu tính vào ngày thanh toán và không bao gồm lãi coupon tính gộp.

        65.  Giá gộp lãi của trái phiếu là giá của trái phiếu tính vào ngày thanh toán và có bao gồm lãi coupon tích gộp.

        66.  Giá thực hiện của trái phiếu là giá dùng để xác định số tiền phải thanh toán trong các giao dịch TPCP. Đối với giao dịch thông thường, giá thực hiện là giá gộp lãi. Đối với giao dịch mua bán lại, giá thực hiện là giá gộp lãi đã chiết giảm hoặc bổ sung theo tỷ lệ phòng vệ rủi ro (nếu có).

        67.  Thành viên thông thường là các công ty chứng khoán được SGDCKHN chấp thuận làm thành viên giao dịch TPCP. Thành viên thông thường được phép thực hiện nghiệp vụ môi giới và tự doanh TPCP trên hệ thống của SGDCKHN.

        68.  Thành viên đặc biệt là các ngân hàng thương mại được SGDCKHN chấp thuận làm thành viên giao dịch TPCP. Thành viên đặc biệt chỉ được phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh TPCP trên hệ thống của SGDCKHN.

        69.  Giao dịch thông thường (Outright)là giao dịch TPCP trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu TPCP cho một bên khác và không kèm theo cam kết mua lại TPCP.

        70.  Giao dịch mua bán lại(Repos) là giao dịch trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu TPCP cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu TPCP đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định. Giao dịch mua bán lại bao gồm Giao dịch bán (Giao dịch lần 1) và Giao dịch mua lại (Giao dịch lần 2). Trong giao dịch mua bán lại, bên Bán được hiểu là bên bán trong Giao dịch lần 1, bên Mua được hiểu là bên mua trong Giao dịch lần 1.

        71.  Hệ thống giao dịch TPCP là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giao dịch TPCP tại SGDCKHN. Hệ thống giao dịch TPCP cho phép nhận, chuyển, sửa, ghi nhận, theo dõi, kết xuất dữ liệu phục vụ việc thực hiện giao dịch TPCP trên hệ thống.

        72.  Đại diện giao dịch của thành viên giao dịch TPCP tại SGDCKHN là nhân viên do thành viên cử, được SGDCKHN chấp thuận cấp thẻ đại diện giao dịch và cho phép đại diện cho thành viên nhập lệnh trên hệ thống giao dịch TPCP của SGDCKHN.

        73.  Kỳ hạn trái phiếu là khoảng thời gian tính từ ngày phát hành (hoặc tính từ ngày phát hành đợt một đối với TPCP phát hành theo lô lớn) đến ngày đáo hạn trái phiếu.

        74.  Kỳ hạn còn lại của trái phiếu là khoảng thời gian còn lại (theo ngày thực tế) từ ngày hiện tại đến ngày đáo hạn trái phiếu.

        75.  Lãi suất danh nghĩa (lãi suất coupon) của trái phiếu là tỷ lệ phần trăm (%) lãi hàng năm tính trên mệnh giá mà tổ chức phát hành phải thanh toán cho người sở hữu trái phiếu trong suốt thời hạn của trái phiếu.

        76.  Ngày trả lãi danh nghĩa của trái phiếu là ngày định kỳ trả lãi trái phiếu hàng năm do tổ chức phát hành cam kết trả, dựa trên ngày phát hành trái phiếu và số lần trả lãi/năm.

        77.  Ngày thực thanh toán lãi trái phiếu là ngày Ngân hàng chỉ định thanh toán, dựa trên Giấy đề nghị chuyển khoản của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, chuyển tiền lãi trái phiếu vào tài khoản của các thành viên lưu ký.

        78.  Ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi, vốn gốc trái phiếu là ngày do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo và chốt danh sách người sở hữu trái phiếu chính phủ để nhận lãi, vốn gốc trái phiếu.

        79.  Ngày giao dịch là ngày trái phiếu được giao dịch trên hệ thống giao dịch TPCP của SGDCKHN.

        80.  Ngày thanh toán là ngày thành viên bên mua hoặc thành viên bên bán trái phiếu nhận được trái phiếu hoặc tiền.

        81.  Kỳ trả lãi trái phiếu là khoảng thời gian giữa hai ngày trả lãi danh nghĩa liền kề.

        82.  Kỳ trả lãi hiện tại là kỳ trả lãi trái phiếu có ngày thanh toán giao dịch diễn ra.

        83.  Giao dịch hưởng quyền là giao dịch có ngày thanh toán diễn ra trước hoặc trùng với ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi trái phiếu của kỳ trả lãi hiện tại.

        84.  Giao dịch không hưởng quyềnlà giao dịch có ngày thanh toán diễn ra sau ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi trái phiếu của kỳ trả lãi hiện tại.

        85.  Giá yết là giá TPCP do các thành viên yết trên hệ thống. Giá yết là giá trái phiếu tính vào ngày thanh toán và không bao gồm lãi coupon tích gộp.

        86.  Giá gộp lãi là giá của trái phiếu tính vào ngày thanh toán và có bao gồm lãi coupon tích gộp.

        87.  Giá thực hiện là giá dùng để xác định số tiền phải thanh toán trong các giao dịch TPCP. Đối với giao dịch thông thường, giá thực hiện là giá gộp lãi. Đối với giao dịch mua bán lại, giá thực hiện là giá gộp lãi đã chiết giảm hoặc bổ sung theo tỷ lệ phòng vệ rủi ro (nếu có).
        Theo hnx.vn